Những kiến thức được truyền tải nhẹ nhàng về giới tính và kỹ năng về ứng phó khi đứng trước nguy cơ bị xâm hại; giúp các em nhận biết những hành vi xấu của người khác… đồng thời dạy các em cách chia sẻ với người lớn những điều vừa xảy ra để kịp thời bảo vệ các em là những gì đọng lại sau buổi ngoại khóa.
Sáng 8.4, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng phối hợp cùng Trung tâm Khoa học GD-ĐT Đức Trí tổ chức hoạt động ngoại khóa Kĩ năng sống với chủ đề Phòng tránh xâm hại cơ thể trẻ em và bạo lực học đường với sự tham gia của trên 1.000 học sinh, giáo viên toàn trường.
Toàn cảnh chương trình ngoại khóa
Tại Việt Nam, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Theo báo cáo của tòa án các cấp, khoảng 80% số vụ xâm hại tình dục đã xét xử từ năm 2008-2013 có nạn nhân là trẻ em. Theo điều tra của Tổ chức phát triển nhân đạo Quốc tế (Plan), 78% nữ sinh của 30 trường học ở Hà Nội cho biết đã từng bị bạo lực giới. Kết quả khảo sát năm 2011 của UNICEF cũng cho biết, 60% trẻ em sau khi bị xâm hại tình dục đều trở nên không bình thường, luôn có cảm giác xấu hổ, tội lỗi hoặc sống trong sợ hãi, lo lắng, hoảng loạn, không tập trung trong giao tiếp và học tập, hoài nghi, không tin tưởng và tìm cách xa lánh mọi người. Một số trẻ bị nặng, mắc bệnh trầm cảm, muốn tự tử hoặc xa lánh tất cả mọi người, kể cả người thân. Xâm hại tình dục trẻ em nói chung gây ra những tổn hại nghiêm trọng về mặt thể chất, tâm lý và tình cảm đối với trẻ từ mức độ nhẹ đến rất trầm trọng. Đã có những trường hợp gia đình phải đem con bỏ đi biệt xứ, nhiều em bé bị rối loạn tâm thần, trầm cảm tự tử.
Các tiết mục văn nghệ mở màn chương trình
Bạo lực học đường là những hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lý, đạo lý, xúc phạm người khác gây nên những tổn thương về tinh thần và thể xác diễn ra trong phạm vi trường học. Bạo lực học đường bao gồm các hành vi bạo lực về thể chất, gồm đánh nhau giữa các học sinh hoặc các hình phạt thể chất của nhà trường, bạo lực tinh thần, bao gồm cả việc tấn công bằng lời nói, bạo lực tình dục, bao gồm hiếp dâm và quấy rối tình dục, các dạng bắt nạt bạn học, và mang vũ khí đến trường.
Bà Nguyễn Thanh Lan (GĐ TTKHGD-ĐT Đức Trí) tặng hoa nhà trường
Mở đầu buổi ngoại khóa, học sinh toàn trường được cùng nhau tìm hiểu bạo lực học đường là gì, nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, bạo lực học đường sẽ để lại những hậu quả gì, giải pháp ngăn chặn thông qua những tình huống và trải nghiệm thực tế ngay tại sân khấu. Bên cạnh đó, giáo viên còn hướng dẫn học sinh một số kĩ năng nói lời cảm ơn, xin lỗi với những người xung quanh.
GV Đức Trí đưa ra các tình huống, câu hỏi với HS trong trường
Tiếp theo, giáo viên giới thiệu các bộ phận riêng tư trên cơ thể bạn nam và bạn nữ (miệng, ngực, cơ quan sinh dục, mông) - những bộ phận tuyệt đối không ai được phép chạm vào trừ khi bố mẹ tắm, thay đồ cho các em hoặc bố mẹ chăm sóc vết thương bên trong của con… Trên cơ sở nhận biết được một số đặc điểm riêng tư của cơ thể, giáo viên giúp học sinh nhận biết được các báo động nguy hiểm có thể dẫn tới nguy cơ bị xâm hại. Đó là báo động nhìn, nói, chạm, ôm, một mình và quy tắc 5 ngón tay để giữ an toàn cho bản thân. Để làm rõ hơn về một số hành vi của kẻ xấu, học sinh đã được giáo viên hướng dẫn cách nhận biết 5 báo động nguy hiểm thông qua các tình huống cụ thể và mở rộng các kiến thức về những cách phòng tránh nguy cơ bị xâm hại ở trẻ, nhắc các em luôn luôn ghi nhớ 3 điều: Không đi chơi một mình nơi vắng vẻ, xa bố mẹ; không được nhận quà của người lạ trong bất cứ trường hợp nào và tuyệt đối không được cho người lạ động chạm và các vùng riêng tư trên cơ thể. Ngoài ra, giáo viên trung tâm còn chia sẻ cách thoát hiểm an toàn khi gặp những tình huống nguy hiểm.
GV Đức Trí giới thiệu các bộ phận riêng tư trên cơ thể
Thông qua các câu đố, chương trình đã hướng dẫn các em nhận biết về những bộ phận trên cơ thể trẻ mà người khác không được chạm vào, giúp các em trả lời những câu hỏi về tình huống có nguy cơ bị xâm hại cơ thể và phải làm gì khi xảy ra những tình huống đó. Các em cũng được trang bị những cách thức để phòng tránh bị xâm hại cơ thể, nhận diện những thủ đoạn các đối tượng bắt cóc thường sử dụng và những động tác tự vệ và thoát thân… Ngoài ra, còn giúp trẻ biết những “chỗ riêng tư” trên cơ thể, biết từ chối các hành động sờ mó vùng kín, biết hô to khi gặp nạn hay cần sự giúp đỡ…
HS lên sân khấu cùng tham gia các tình huống dưới sự điều khiển của GV
Chương trình ngoại khóa kĩ năng sống “Phòng tránh xâm hại cơ thể trẻ em và bạo lực học đường” do các thầy cô giáo đến từ Trung tâm Khoa học GD-ĐT Đức Trí thực hiện với nhiều hoạt động giao lưu, các tiết mục văn nghệ hấp dẫn đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của học sinh và các thầy cô giáo bởi tính thời sự và ý nghĩa thiết thực.